Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tuyên truyền Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 4 (15/10/1945 - 15/10/2024)

Tuyên truyền Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 4 (15/10/1945 - 15/10/2024)
content:

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 4

(15/10/1945 - 15/10/2024)

 

I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH

1. Lực lượng vũ trang Quân khu 4 ra đời và hoạt động trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)

a) Lực lượng vũ trang Quân khu 4 ra đời

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã xác định con đường cách mạng Việt Nam là con đường bạo lực cách mạng và tất yếu phải tổ chức ra lực lượng vũ trang cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Xứ ủy Trung Kỳ, phong trào cách mạng của quần chúng đã diễn ra mạnh mẽ khắp các tỉnh Khu 4.

Cùng với sự phát triển của phong trào đấu tranh sục sôi của nhân dân, các tổ chức vũ trang lần lượt ra đời, đầu tiên là các đội Tự vệ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), với nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng công nông. Lực lượng “Tự vệ đỏ” là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên, trở thành tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sau này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các đội Tự vệ đỏ cũng được tổ chức và hoạt động phù hợp với tình hình của từng giai đoạn.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các tỉnh đã tổ chức ra đội quân chủ lực với tên gọi “Chi đội giải phóng quân”: Thanh Hóa có chi đội Đinh Công Tráng (sau này là Trung đoàn 77), Nghệ An có chi đội Đội Cung (sau này là Trung đoàn 57), Hà Tĩnh có chi đội Phan Đình Phùng (sau này là Trung đoàn 103), Quảng Bình có chi đội Lê Trực (sau này là Trung đoàn 18), Quảng Trị có chi đội Nguyễn Thiện Thuật (sau này là Trung đoàn 95), Thừa Thiên Huế có chi đội Trần Cao Vân (sau này là Trung đoàn 101). Đây là các trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu để xây dựng Đại đoàn 304, 325 và Trung đoàn 120 quân tình nguyện Việt - Lào sau này.

Trước sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng, do yêu cầu bố trí thế trận chung của cả nước, ngày 15/10/1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức các Chiến khu trong toàn quốc và Chiến Khu Bốn được thành lập, do đồng chí Lê Thiết Hùng làm Khu trưởng, đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Chính trị ủy viên, cùng Xứ ủy Trung kỳ tiến hành tổ chức thành lập Chiến khu 4. Từ đây Xứ ủy Trung kỳ có các cơ quan lãnh đạo Đảng, Mặt trận Việt Minh, chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang cách mạng, trực tiếp lãnh đạo các tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

b) Cùng toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Ủng hộ Nam Bộ kháng chiến”. Hướng ứng lời kêu gọi, các tỉnh Khu 4 lập “Phòng Nam Bộ” ghi tên những người tình nguyện vào Nam chiến đấu và tổ chức các đơn vị Nam tiến, phong trào tình nguyện vào Nam giết giặc đã được mọi tầng lớp nhân dân các tỉnh Khu 4 hưởng ứng nhiệt liệt. Bộ Chỉ huy Chiến khu đã cử 5 đại đội giải phóng quân lên đường Nam tiến, trên đường từ Thanh Hóa vào đến Huế đã tăng cường thêm 5 đại đội. Các đơn vị giải phóng quân Chiến Khu 4 đã lập công xuất sắc ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Thực hiện Chỉ thị toàn quốc kháng chiến của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946 quân và dân Khu 4 đã nhất loạt tiến công quân Pháp, mở đầu là cuộc kháng chiến lúc 23 giờ ở Nghệ An bắt sống 34 quân Pháp tại Vinh và tịch thu vũ khí trang bị. Thừa Thiên nổ súng tiến công bao vây 750 lính Pháp tại Huế, sau 50 ngày đêm diệt hơn 200 tên.

Ngày 25/01/1948, Chính phủ ra Sắc lệnh số 120/SL tổ chức các Liên khu (Khu 4 đổi tên thành Liên khu 4); đồng thời thành lập Phân khu Trị Thiên trực thuộc Liên khu 4. Liên khu 4 sớm hình thành ba vùng rõ rệt: Thanh-Nghệ-Tĩnh là vùng tự do, không ngừng được xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng và thế trận, ngăn chặn âm mưu địch mở rộng chiến tranh; Bình-Trị-Thiên là tiền tuyến, quân và dân địa phương đã đương đầu một cách anh dũng với âm mưu bình định, khủng bố dã man, tàn bạo của địch; Miền Tây Liên khu được củng cố, các lực lượng vũ trang sát cánh cùng bộ đội giải phóng Lào chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế.

Tháng 10/1949, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Mặt trận Bình Trị Thiên - Trung Lào có nhiệm vụ tác chiến tập trung ở hướng chiến lược Đường số 9 - miền Trung Đông Dương, để phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, lực lượng vũ trang được củng cố và trưởng thành, từ nền tảng là lực lượng dân quân du kích phát triển thành lực lượng vũ trang 3 thứ quân, từ phương thức lấy “du kích chiến” là cơ bản đến đẩy mạnh “vận động chiến”, thúc đẩy đấu tranh chính trị của nhân dân lên đỉnh cao mới. Phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, Mặt trận Bình-Trị-Thiên đã mở 2 chiến dịch: Chiến dịch Lê Lai từ 22/12/1949 đến 27/01/1950 và Chiến dịch Phan Đình Phùng từ 15/6 đến 24/10/1950. Cả 2 chiến dịch đã phá thế phòng ngự liên hoàn, kiềm chế giam chân chủ lực địch và tiêu hao sinh lực địch, chặn đứng âm mưu tiến công của địch ra vùng tự do.

Những năm 1951 - 1953, hậu phương Thanh-Nghệ-Tĩnh ngày càng vững mạnh, hoàn thành các nhiệm vụ giảm tô, chi viện sức người, sức của cho tuyến đầu Bình-Trị-Thiên và các chiến dịch lớn của cả nước; đồng thời nghiêm trị bọn phản động, tiêu diệt nhiều toán gián điệp, thổ phỉ ở miền núi phía Tây Liên Khu. Trên chiến trường Bình-Trị-Thiên, lực lượng vũ trang cùng với các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh tác chiến đánh bại các cuộc hành quân càn quét, bình định của địch và đập tan mọi âm mưu tập kích hòng làm suy yếu hậu phương ta; cùng với bạn Lào giành thắng lợi lớn trong Chiến dịch Thượng Lào tạo ra cục diện mới cho thắng lợi quyết định.

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, Liên Khu 4 đã tham gia cùng Bạn mở chiến dịch Trung Lào; tác chiến bảo vệ hậu phương, xây dựng lực lượng và cung cấp mọi nhu cầu cho chiến dịch Trung Lào và chiến dịch Điện Biên Phủ; đẩy mạnh chiến tranh du kích ở chiến trường Bình-Trị-Thiên, tiêu hao, tiêu diệt và kìm chân địch, phối hợp với chiến trường chính. Trên chiến trường Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, quân và dân Liên Khu 4 đã cùng Bạn liên tục tấn công, giành thắng lợi giòn giã ở Thà Khẹt, Khăm Muộn, Xa vẳn Nạ khẹt, Lào ngam, Tha teng…, giải phóng một vùng rộng lớn 40 ngàn km2. Trên hướng Bình-Trị-Thiên, phong trào đấu tranh của quân và dân ta đã có bước tiến mới: đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị và vận động binh lính ngụy ra hàng, liên tục chiến đấu kìm chân địch, đánh bại mọi cuộc hành quân càn quét của địch, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến trường phối hợp. Đảng bộ và nhân dân 3 tỉnh Thanh-Nghệ-Tĩnh đã dốc hết nhân tài, vật lực cho các hướng; trong đó Thanh Hóa và Bắc Nghệ An phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ; Nam Nghệ An và Hà Tĩnh phục vụ chiến dịch Trung, Hạ Lào.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Quân khu 4 đã đánh 7.400 trận, tiêu diệt 69.800 tên địch, bắt 3.400 tên, buộc ra hàng 4.500 tên; thu 8.130 súng các loại, phá hủy 366 xe cơ giới, 200 khẩu pháo và cối, 117 toa xe lửa, bắn rơi 13 máy bay. Chi viện cho tiền tuyến 134.700 thanh niên nhập ngũ, bổ sung đi các chiến trường gần 100.000 lượt người, hơn 2 triệu lượt người đi dân công hỏa tuyến, 120.000 lượt người đi mở đường chiến lược. Cung cấp cho chiến trường 870.000 tấn lương thực, thực phẩm, 900 tấn vũ khí do địa phương Liên Khu sản xuất; làm 5.300 km đường chiến lược, 145 cầu, 30 km đường xe goòng.

Những đóng góp của quân và dân Liên Khu 4 đã góp phần cùng cả nước đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ (07/5/1954), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

2. Lực lượng vũ trang Quân khu 4 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975)

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Vĩ tuyến 17 tạm thời chia cắt đất nước thành 2 miền Nam - Bắc; Liên Khu 4 bị chia cắt thành 2 vùng, phía Bắc từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa được hoàn toàn giải phóng, 2 tỉnh phía Nam là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế còn nằm trong vùng địch.

Do yêu cầu chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, ngày 24/4/1955, Liên Khu ủy Liên Khu 4 bàn giao cho Liên Khu ủy Khu 5 lãnh đạo, chỉ đạo 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 151/TTg thành lập khu Vĩnh Linh như một đơn vị tỉnh trực thuộc Trung ương. Ngày 03/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 017/SL thành lập Quân Khu 4, do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Đôn làm Tư lệnh, Thiếu tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy. Ngày 06/4/1966, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân khu Trị - Thiên (B4) và đến 15/6/1966 quyết định mở Mặt trận đường 9 (B5) giao cho Quân khu 4 đảm nhiệm.

a) Với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Quân khu 4 hăng hái lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, huy động sức người, sức của cho các chiến trường

“Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” là khẩu hiệu hành động, là tình cảm thiêng liêng giục giã khắp các công trường, nhà máy, ruộng đồng. Nhiều phong trào thi đua đã được đẩy mạnh như: “Gió đại phong”“Cờ ba nhất”, Đoàn thanh niên 3 sẵn sàng, Phụ nữ 3 đảm đang, Mặt trận Tổ quốc kêu gọi “Toàn dân đoàn kết chống Mỹ”, các cháu thiếu niên nhi đồng “Vâng lời Bác làm nghìn việc tốt”, quân và dân tuyến lửa Vĩnh Linh bất khuất, một tấc không đi, một ly không rời, kiên cường bảo vệ quê hương dưới mưa bom, bão đạn của địch, tất cả để xây dựng hậu phương vững chắc và chi viện sức người, sức của cho các chiến trường. Toàn Quân khu có hơn 400 ngàn thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có hơn 300 ngàn trực tiếp chiến đấu ở các chiến trường. Có hơn 8 triệu lượt thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến; những cô gái trên ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn… “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Nhân dân Khu 4 sẵn sàng “nhường nhà để hàng, nhường làng để xe”, đóng góp hơn 5 triệu ngày công giúp bộ đội đào công sự, xây dựng trận địa; tham gia gần 80 triệu ngày công bảo đảm giao thông huyết mạch để hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho miền Nam và chiến trường Đông Dương.

b) Quân dân Quân khu 4 anh dũng đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ

Đầu tháng 8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để tạo cớ leo thang đánh phá miền Bắc. Trưa ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ đã sử dụng 64 lần chiếc máy bay đánh phá dữ dội cảng Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Cảng Gianh (Quảng Bình), Lạch Trường (Thanh Hóa), thị xã Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc nước ta.

Trong các đợt leo thang bắn phá, từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh, đế quốc Mỹ đã huy động hàng chục vạn lần máy bay và hàng ngàn lần tàu chiến, dội hàng triệu tấn bom đạn vào gần 90% số thôn xã. Quân và dân Quân khu 4 đã đánh trả hàng vạn trận lớn, nhỏ; bắn rơi 2.183 máy bay các loại (có 34 B52, 5 F111) bằng hơn ½ tổng số máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi; bắn chìm 258 tàu chiến Mỹ, góp phần bảo vệ thành quả xây dựng CNXH, bảo đảm thông suốt tuyến hành lang chi viện cho các chiến trường.

c) Quân dân Quảng Trị - Thừa Thiên trung dũng, kiên cường cùng cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược của địch

Trong hoàn cảnh Mỹ ngụy khủng bố hết sức tàn bạo, quân và dân Quảng Trị, Thừa Thiên Huế vẫn ngoan cường bám trụ, củng cố và xây dựng lực lượng, tấn công địch bằng cả 3 mũi giáp công, trên 3 vùng chiến lược. 10 năm đầu là thời kỳ chuyển thế tấn công, giữ gìn lực lượng, tập trung làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn “tố cộng, diệt cộng”“bình định” của địch, chuẩn bị mọi mặt để tiến lên đồng khởi. Tiếp theo đó, lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân chiến đấu dũng cảm, giành thắng lợi trong các chiến dịch hè thu 1966, Đường 9 - Khe Sanh 1967; đặc biệt là trong cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, thành phố Huế trở thành chiến trường xuất sắc nhất và được tặng 8 chữ vàng “Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”.

Sau những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, ngày 13/2/1972, thực hiện quyết định của Quân ủy Trung ương, quân và dân ta đã giành thắng lợi ở nhiều nơi, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị vào ngày 02/5/1972.

Mùa xuân năm 1975, phối hợp với các chiến trường, quân và dân ta càng đánh càng thắng lớn, đến ngày 26/3/1975, tỉnh Thừa Thiên Huế được giải phóng. Những thắng lợi đó của quân và dân Khu 4 đã góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

3. Lực lượng vũ trang Quân khu trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (từ năm 1975 đến nay)

a) Mười năm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN (1975 - 1985)

Sau khi đất nước được hoàn toàn thống nhất, phát huy truyền thống anh dũng kiên cường, bất khuất trong chiến tranh giải phóng, quân và dân Khu 4 đã ra sức thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Ngày 06/02/1976, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định hợp nhất Quân khu 4 và Quân khu Trị - Thiên thành Quân khu 4. Trong khi thực hiện nhiệm vụ khôi phục đất nước, Quân khu tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là: Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu, tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế.

Trên địa bàn Quân khu, đời sống của nhân dân còn nghèo, hậu quả chiến tranh để lại vô cùng nặng nề, lực lượng vũ trang Quân khu vừa tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, vừa tham gia phát triển kinh tế, như: Khai thác gỗ, xây dựng lại tuyến đường sắt Minh Cầm - Tiên An, xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, giúp Bạn Lào xây dựng cơ sở hạ tầng, rà phá bom mìn… Trước biến động của hai đầu đất nước, theo chỉ thị của Bộ, Quân khu đã điều động quân lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam.

b) Lực lượng vũ trang Quân khu trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay)

Qua hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy thành tích đã đạt được trong các cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang Quân khu và nhân dân 6 tỉnh trên địa bàn đã tập trung nỗ lực củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn liền với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; bản lĩnh chính trị và trình độ sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và các đơn vị ngày một nâng cao.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ cách mạng mới, lực lượng vũ trang Quân khu đã có những điều chỉnh về lực lượng, biên chế, tổ chức. Các đơn vị thường trực có sự thay đổi theo hướng tinh gọn chất lượng cao. Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu được đặc biệt quan tâm xây dựng, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh, phòng chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tăng cường phòng thủ sẵn sàng chiến đấu trên cả 3 tuyến: Biển đảo, biên giới, nội địa. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân từng bước được xây dựng và củng cố cơ bản liên hoàn vững chắc. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được chú trọng xây dựng củng cố cả về chất lượng, số lượng và hiệu quả hoạt động. Chất lượng xây dựng chính quy, xây dựng môi trường văn hóa đi vào chiều sâu. Diện mạo đơn vị ngày càng được đổi mới, khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; đời sống vật chất, tinh thần từng bước được cải thiện.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng ngày càng được nâng lên, nhất là sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tạo được chuyển biến tích cực cả về nhận thức chính trị tư tưởng, phẩm chất lối sống và thực hiện nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng. Tích cực đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục với công tác quản lý con người, quản lý vũ khí trang bị kỹ thuật, gắn với công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua quyết thắng, tạo sự chuyển biến thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào tôn giáo. Làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội; tham gia tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và thực hiện tốt phong trào “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”, tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng điểm sáng văn hóa. Thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức luyện tập, kịp thời cơ động và phối hợp với các lực lượng địa phương cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong thiên tai, bão lụt. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, bộ đội và dân quân tự vệ, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, quần áo, thuốc men, đồ dùng học tập đã kịp thời giúp đỡ nhân dân vùng bị nạn nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, xây dựng và sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh, để lại trong lòng nhân dân hình ảnh đẹp về anh Bộ đội Cụ Hồ.

Phát huy tinh thần tự lực tự cường, quán triệt tốt phương châm trên dưới cùng lo, lực lượng vũ trang Quân khu đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất làm kinh tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội, với phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và thực hiện tiết kiệm với các phong trào, như: “Hũ gạo tiết kiệm”“Tiết kiệm bản thân để phần người khó”“Quỹ đồng đội”“Giúp nhau vượt khó” vv…

Công tác bảo đảm kỹ thuật, vũ khí trang bị có tiến bộ rõ nét. Thực hiện tốt nền nếp chính quy ngành kỹ thuật ở tất cả các đơn vị, kho trạm với cuộc vận động “Quản lý khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”. Cán bộ, chiến sĩ có tinh thần trách nhiệm, bảo quản giữ gìn tốt và sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật, bảo vệ an toàn kho tàng và không để xuống cấp hoặc hư hỏng. Phong trào phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm phát triển sâu rộng, nhiều sáng kiến của Quân khu đã đạt nhiều giải cao trong hội thao toàn quân ngành kỹ thuật, nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng trong thực hiện cuộc vận động.

4. Làm tròn nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Campuchia

Thấm nhuần đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giúp Bạn tức là tự giúp mình”, lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với 2 nước bạn Lào và Campuchia.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đã cùng Bạn xây dựng cơ sở kháng chiến, tham gia chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào và Đông Bắc, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của Bạn đến thắng lợi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, luôn kề vai sát cánh cùng bạn Lào phối hợp chiến đấu, làm thất bại nhiều đợt tiến công của địch như chiến dịch mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, chiến dịch Đường 9 Nam Lào… Nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của 2 nước, góp phần đưa cách mạng của Bạn đến thắng lợi hoàn toàn.

Sau năm 1975, các đơn vị của Quân khu như Sư đoàn 968, Sư đoàn 324, Trung đoàn 176 vừa làm tròn nhiệm vụ giúp Bạn tiễu phỉ, vừa cùng Bạn thanh lọc địch ngầm, xây dựng cơ sở, củng cố chính quyền cách mạng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội. Một số đơn vị của Tổng Công ty Hợp tác kinh tế đứng chân trên đất bạn Lào vừa làm tốt nhiệm vụ quan hệ hợp tác kinh tế, vừa tham gia xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội giúp Bạn. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341, Tiểu đoàn 31 đặc công tham gia giải phóng đất nước Campuchia, cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngày nay, Quân khu 4 và các tỉnh vẫn thường xuyên gìn giữ, bảo vệ, phát huy tốt mối quan hệ với Bạn, nhất là bạn Lào, cùng phối hợp, kết nghĩa các tỉnh, các địa phương 2 nước, xây dựng đường biên giới hữu nghị, hợp tác kinh tế - quốc phòng, văn hóa, góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt 2 dân tộc và giữ gìn sự ổn định trong khu vực. Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức hợp tác với bạn trên các lĩnh vực, như: Xây dựng cơ sở chính trị, công tác quân sự, hậu cần, kỹ thuật; hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh xây dựng, khai thác, chế biến gỗ, thăm dò, khai thác khoáng sản, du lịch… Cùng với các hoạt động về kinh tế, hợp tác an ninh - quốc phòng cũng được đẩy mạnh, tổ chức hội nghị liên tịch giữa Quân khu với Bộ Chỉ huy quân sự 7 tỉnh của bạn có chung đường biên giới với Quân khu; hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ để thực hiện dự án tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới và nhiệm vụ tuần tra, truy quét tội phạm để bảo vệ an ninh biên giới chung giữa hai nước được tăng cường. Các cán bộ kỹ thuật của Quân khu trên cương vị là chuyên gia quân sự Việt Nam sang giúp bạn về công tác kỹ thuật như: Bảo dưỡng, sửa chữa một số loại súng, pháo và xe quân sự; giúp bạn sưu tầm hiện vật phục vụ trưng bày ở Bảo tàng Bản Đông… Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; làm tốt công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt nam hy sinh trên đất Lào về nước. Được sự phối hợp giúp đỡ của Bạn, đến kết thúc mùa khô 2013-2014, các đội quy tập của Quân khu đã tìm kiếm, cất bốc được 24.298 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh tại Lào, đưa về nước an táng chu đáo, long trọng.

Lực lượng vũ trang Quân khu đã phối hợp với Bạn quản lý, nắm chắc tình hình địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Lào. Các dự án về điện, đường, trường học, bệnh viện, hệ thống cung cấp nước sạch… do Quân khu thực hiện đã giúp bạn phát huy hiệu quả cả về kinh tế, chính trị và xã hội; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.

II. TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG QUÂN KHU 4

1. Những nét tiêu biểu về truyền thống của LLVT Quân khu 4

Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã xây đắp nên những truyền thống vẻ vang, đó là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc; có ý chí quyết chiến, quyết thắng và biết đánh, biết thắng mọi kẻ thù; gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí; hậu phương, tiền tuyến đồng lòng, luôn vì cả nước, với cả nước; có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, đặc biệt gắn bó thủy chung với cách mạng Lào.

2. Những phần thưởng cao quý

Qua 79 năm, lực lượng vũ trang Quân khu đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 2 Huân chương Sao Vàng (năm 1985, 2010); 2 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1979, 2001); 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1965); 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều Huân chương khác; Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhiều đơn vị trong Quân khu được tặng nhiều Huân chương, Huy chương và những phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và Nhà nước bạn./.

                                                     

content:

Tiến độ giải quyết hồ sơ

content:

Bản đồ hành chính Phường

content:

content:

Thời tiết

Thống kê truy cập

Hiện có: 2395
Tổng: 573290