Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, bệnh rất dễ bùng phát thành dịch. Sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, dễ tấn công người chưa có miễn dịch, đặc biệt trẻ em chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ.
Khi bị bệnh trẻ có biểu hiện: sốt, phát ban. Trẻ thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sẩn (gồ lên mặt da ) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân. Một số biểu hiện kèm theo: chảy nước mũi, ho, đỏ mắt, tiêu chảy....
Biến chứng của bệnh: Viêm tai giữa cấp, Viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong, Viêm não, Tiêu chảy và ói mửa, Mờ hoặc loét giác mạc, có thể mù lòa, Suy dinh dưỡng nặng.
Hiện nay trên địa bàn phường đã ghi nhận ca mắc sởi, để chủ động phòng ngừa và hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng. Trạm Y tế phường Hưng Phúc, hướng dẫn các trường Mầm Non, người dân trên địa bàn một số nội dung phòng, chống bệnh sởi như sau:
Xử trí khi trẻ có dấu hiệu nghi mắc Sởi
Cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành
Đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời
Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường thức ăn giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ
Cho trẻ uống nhiều nước (dung dịch Oresol, nước ép quả tươi, nước lọc...), đặc biệt khi trẻ sốt cao, tiêu chảy
Vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể cho trẻ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để hạn chế các biến chứng của sởi. Không nên kiêng tắm, kiêng gió vì sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Các biện pháp phòng bệnh Sởi
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, nên dự phòng là yếu tố tiên quyết.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi.
+ Mũi 1: tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi
+ Mũi 2: tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi
Trẻ dưới 2 tuổi được tiêm vắc xin sởi miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tại các trạm y tế xã/phường. Trẻ trên 2 tuổi và người lớn chưa tiêm vắc xin sởi cần tiêm sớm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.
Vệ sinh phòng bệnh
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày.
Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, các vật dụng cho trẻ. Giữ cho nhà ở, phòng học luôn thông thoáng, tránh gió lùa khi trời lạnh.
Không cho trẻ tiếp xúc và dùng chung vật dụng, đồ chơi với trẻ mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Hạn chế cho trẻ đến chỗ đông người, tại nơi có dịch sởi.
Không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi mắc sởi; Thường xuyên rửa tay và vệ sinh thân thể cho trẻ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ
Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến Trạm y tế xã, phường; các cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.
Khi trẻ có biểu hiện sốt cao, nổi ban y tế học đường các trường học báo ngay cho Trạm Y tế (SĐT: 097 609 2457 hoặc SĐT: 097 237 4156) để phối hợp xử lý.
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sởi, cần lưu ý những điều sau:
Thường xuyên theo dõi thân nhiệt, nếu đã sử dụng thuốc hạ sốt mà cơn sốt không có dấu hiệu hạ thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
Thông thường, trẻ bị sởi sẽ sốt khoảng 3 ngày, đồng thời các nốt phát ban cũng bay dần và mất hẳn. Tuy nhiên, nếu thấy nốt sởi đã hết nhưng cơn sốt vẫn chưa dứt thì nguy cơ gặp biến chứng là rất cao. Lúc này, trẻ cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Tránh để mắt của trẻ tiếp xúc với ánh sáng vì giai đoạn này mắt của trẻ rất nhạy cảm, đau nhức và ra nhiều gỉ.
Không mặc đồ quá kín, quá dày khiến trẻ không thể hạ sốt, dẫn đến sốt cao co giật.
Sử dụng nước ấm để vệ sinh cơ thể nhằm giúp da trẻ sạch sẽ, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
Cho trẻ uống nhiều nước, ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe.
Chia nhỏ bữa ăn, ưu tiên những thực phẩm dễ tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng đang bị thiếu hụt cho trẻ, nhất là vitamin và khoáng chất.
Đeo khẩu trang khi chăm sóc cho trẻ và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với trẻ.
Không cho trẻ gãi khiến da bị tổn thương, tốt nhất cha mẹ nên cắt móng tay cho con để phòng trừ.
Tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh